Ý tưởng phát triển hướng ra biển của TP HCM thông qua Cần Giờ có từ 20 năm trước, nhưng đến nay tiềm năng vùng đất này chưa được “đánh thức”.

Ngày 29/12/1978, từ kiến nghị của TP HCM, huyện Duyên Hải (nay là Cần Giờ) tỉnh Đồng Nai sáp nhập vào thành phố theo nghị quyết của Quốc hội khóa IV. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng với vùng đất này sau thời gian thăng trầm về địa giới hành chính từ năm 1872. Huyện là địa phương duy nhất của TP HCM giáp biển (23 km), cách trung tâm thành phố chừng 50 km.

Thành phố biển duy nhất tại TP. HCM

Ý tưởng phát triển TP HCM hướng ra biển không phải mới mà có từ cách đây hai thập kỷ. Năm 2002, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – người nhiều năm dành tâm huyết cho bảo vệ và phục hồi rừng Cần Giờ, đã có phân tích lợi ích khi phát triển vùng đất ven biển thành khu đô thị du lịch, giải trí.

Trong thư gửi lãnh đạo TP HCM thời điểm đó, ông khẳng định khu đô thị này không chỉ đẳng cấp trong nước mà mang “tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Có thể so sánh Langkawi của Malaysia, Pattaya của Thái Lan hay Bali của Indonesia”. “Về mặt tiềm năng, Quảng Ninh, Kiên Giang không thể so sánh với thành phố, vấn đề là đánh thức, khơi dậy tiềm năng dồi dào này. Đây là bài toán cho các nhà quản lý”, cố Thủ tướng viết.

Tiến ra biển cũng là một trong hai hướng phát triển chính của TP. HCM tại Quy hoạch chung xây dựng TP. HCM đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt năm 2010. Trên thực tế, hơn 20 năm qua TP. HCM tổ chức quy hoạch, xây dựng hạ tầng, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư theo định hướng phát triển TP. HCM tiến ra Biển Đông.

Ngày 12/6/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ diện tích gần 3.000 ha, tổng mức đầu tư 217.000 tỷ đồng. Siêu dự án này được kỳ vọng là đòn bẩy, đánh thức tiềm năng Cần Giờ mà TP HCM ấp ủ nhiều năm.

Tại buổi làm việc với UBND huyện Cần Giờ đầu tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong tái khẳng định quyết tâm “đánh thức tiềm năng Cần Giờ và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng khu dự trữ sinh quyển”. “Cần Giờ có biển, rừng, núi và cả đảo, diện tích xấp xỉ Singapore, tương lai là thành phố biển nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái”, ông nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển kinh tế biển và cảng, chuỗi đô thị ở Cần Giờ là hướng đi đúng đắn, lâu dài, góp phần đảm bảo an ninh khu vực. Tuy nhiên, việc đầu tư ở đây cần áp dụng những công nghệ hiện đại nhất. Cùng với sự quyết tâm đầu tư và kinh nghiệm triển khai các đại dự án quy mô hàng trăm héc ta, Vingroup – chắc chắn sẽ là nhà đầu tư phù hợp nhất để đảm bảo đẳng cấp cũng như hiện đại nhất cho vùng đất này.

Bài viết nổi bật