Vingroup tham gia vào phân khúc nhà ở giá rẻ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng công nhân, người có thu nhập thấp.

Đầy đủ phân khúc

Tập đoàn Vingroup vừa công bố chuỗi nhà ở giá rẻ đầu tiên với thương hiệu Happy Town. Diện tích tối thiểu mỗi căn hộ từ 30m2, mức giá chỉ từ gần 200 triệu đồng. Như vậy, tính trung bình thì mỗi m2 nhà ở Happy Town có giá bán hơn 6,66 triệu đồng.

Theo Vingroup, đây là động thái trong kế hoạch cung cấp cho thị trường sản phẩm nhà ở có chất lượng, giá phù hợp phân khúc bình dân. Giai đoạn đầu, Happy Town sẽ có mặt tại 3 tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn, tập trung đông lao động nhập cư là Bắc Ninh, Bình Dương và Đồng Nai. Vingroup kỳ vọng thương hiệu mới sẽ mở ra cơ hội an cư lạc nghiệp cho nhiều lao động thu nhập thấp, góp phần giải bài toán nhà ở tại các địa phương.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, Tập đoàn không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu với thương hiệu Happy Town mà mong muốn chung tay cùng xã hội giải quyết vấn đề nhà ở bức thiết cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp.

Vingroup đánh giá, cả nước đang có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với 1,7 triệu người cần nhà ở. Tuy nhiên, thị trường mới đáp ứng 8-10% nhu cầu. Đa số người lao động phải thuê trọ với điều kiện sống thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Do đó, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở cho người thu nhập thấp đã được Chính phủ đặt trọng tâm trong Chiến lược phát triển Nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực để xây dựng thành công các khu đô thị văn minh, an toàn với giá bán thấp nhất có thể để ngày càng nhiều người lao động có nơi an cư, lạc nghiệp”, ông Quang khẳng định.

Với phân khúc Happy Town, Vingroup trở thành nhà phát triển bất động sản hàng đầu ở Việt Nam cả trên quy mô doanh nghiệp lẫn phạm vi hoạt động với 3 dòng thương hiệu chính: Vinhomes – nhà ở trung, VinCity-nhà ở trung cấp, Happy Town-nhà ở bình dân, Vincom-bất động sản thương mại, Vinpearl-bất động sản nghỉ dưỡng.

Đối thủ là ai?

Vingroup chọn 3 tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn, tập trung đông lao động nhập cư là Bắc Ninh, Bình Dương và Đồng Nai. Cần phải hiểu, nhà ở cho công nhân hay dân nhập cư không phải là vấn đề mới. Rất nhiều địa phương đã làm trước khi Vingroup nhập cuộc.

Điển hình như tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2020 để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng là công nhân, công chức, sinh viên, người có thu nhập thấp.

Theo đó, tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai xây dựng 17.815 căn nhà ở cho công nhân và các đối tượng xã hội khác, xây 2.185 căn phòng ký túc xá cho sinh viên. Tổng số vốn để xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội là trên 12.280 tỷ đồng.

Đồng Nai bố trí nguồn vốn từ ngân sách phát triển nhà ở xã hội là hơn 775 tỷ đồng. Nguồn vốn còn lại kêu gọi đầu tư trong các tổ chức, thành phần kinh tế theo hình thức BT với vốn đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 45 dự án nhà ở xã hội đang triển khai. Trong đó có 6 dự án đang xây dựng, 39 dự án đang trong giai đoạn lập hồ sơ quy hoạch, hoặc trình duyệt chủ đầu tư.

Còn lãnh đạo Liên đoàn Lao động Đồng Nai cho biết, để đáp ứng chỗ ở cho người lao động, một số doanh nghiệp có sử dụng đông công nhân như Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom), Công ty Chinwell Fastener (huyện Nhơn Trạch), Công ty Chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom)… đã xây dựng được 65.000 m2 nhà ở và bố trí khoảng 10.000 chỗ ở cho người lao động.

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hơn 13.000 cơ sở tư nhân xây phòng trọ để kinh doanh, đáp ứng khoảng gần 180.000 người. Liên đoàn Lao động Đồng Nai cũng đề xuất lãnh UBND tỉnh xây dựng nhà chung cư cho công nhân với giá ưu đãi, tùy điều kiện quỹ đất của từng vùng với mức giá khoảng 6 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết thêm, tỉnh đặt mục tiêu, đến năm 2020 sẽ xây dựng 45 công trình nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, ký túc xá sinh viên với số lượng khoảng 20.000 căn.

Trong 3 năm tới, trên địa bàn tỉnh có thêm 150.000 phòng trọ do người dân tự xây mới. Các dự án nhà ở cho công nhân đang được Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ. Riêng tại huyện Nhơn Trạch có 6 dự án với quy mô 7.500 căn sắp hoàn thành. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhà ở tại Đồng Nai sẽ tăng lên trên 80 triệu m2 sàn.

Còn tại Bình Dương, Becamex IDC là ông trùm về xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Nhà Becamex IDC xây dựng rộng 30m2 nhưng chỉ bán với giá 100 triệu đồng, bằng một nửa so với giá Vingroup công bố.

Thống kê của UBND tỉnh Bình Dương cho thấy, chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương đến nay đã thu hút được 85 dự án phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích 3,9 triệu m2 sàn nhà ở. Trong đó, có 43 dự án thuộc đề án nhà ở an sinh xã hội Becamex do Becamex IDC làm chủ đầu tư với 70.000 căn hộ, tổng vốn đầu tư 12.100 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bình Dương còn khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động, với tổng diện tích 270.000m2 sàn. Như vậy, đến nay tổng diện tích sàn nhà ở xã hội của Bình Dương đạt khoảng 770.000 m2 sàn nhà ở.

Bình Dương cũng đang tồn tại khoảng trên 3 triệu m2 sàn nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, tương đương khoảng 180.000 căn, đáp ứng cho 540.000 công nhân, sinh viên và người có thu nhập thấp thuê.

Với Bắc Ninh, đây vốn dĩ là địa bàn mà Tổng Công ty Cổ phần Viglacera hoạt động từ lâu. Trong năm 2018, Viglacera đang chuẩn bị đầu tư khu công nghiệp mới ở Bắc Ninh là Yên Phong 2C rộng 220ha. Ngoài ra, công ty cũng sẽ thực hiện các dự án nhà ở thương mại với việc triển khai dự án nhà ở thương mại Yên Phong rộng 9,6ha, dự án Thăng Long NO1 giai đoạn 3, dự án Khu đô thị tại Nhà máy Đáp Cầu rộng 12,5ha và dự án Nhà ở thấp tầng tại Khu đô thị Yên Phong.

Trong năm 2018, Viglacera còn triển khai 3 dự án Khu đô thị với tổng diện tích 113.55ha đối ứng hoàn vốn đầu tư theo hình thức BT các tuyến đường số 2 và 3, số 4, số 5 và ĐT 285B tại huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh. Công ty sẽ đầu tư dự án Khu đô thị đối ứng 90ha cho dự án BT đường 295C tại tỉnh Bắc Ninh.

Đối với các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, VGC tập trung thực hiện các dự án như Nhà ở công nhân Đồng Văn 4 rộng 16,7ha, Nhà ở công nhân Phú Hà rộng 4,3ha, Nhà ở khu công nghiệp Đông Mai rộng 9,2ha, Nhà ở công nhân và thấp tầng Khu công nghiệp Yên Phong rộng 9,8ha.

Có khả thi?

Còn nhớ, ngày 3/12/2016 tại Hà Nội, Tập đoàn Vingroup cũng công bố ra mắt thương hiệu bất động sản đại chúng VinCity với mức giá bình quân chỉ từ 700 triệu đồng/căn hộ.Trong vòng 5 năm tới, Vingroup sẽ xây dựng từ 200.000-300.000 căn hộ thuộc thương hiệu VinCity, tạo điều kiện cho đông đảo người tiêu dùng tiếp cận và sở hữu cuộc sống chất lượng và tiện ích tại các Khu đô thị do Vingroup phát triển.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, VinCity là thương hiệu nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình thấp.Dự án bao gồm các sản phẩm là chung cư cao 22-25 tầng, diện tích từ 35-90m2, giá bán trung bình từ 13-19 triệu/m2 và mật độ xây dựng là 20-25%.Khách hàng chỉ cần trả trước 20-30% giá trị hợp đồng. Phần còn lại có thể được ngân hàng hỗ trợ trả góp trong khoảng 4-6 năm.

Ông Hiệp cho biết thêm, dù công bố mức giá là khoảng 700 triệu đồng/căn hộ nhưng mức giá này có thể thay đổi tùy theo giá đất tại từng địa phương. Chẳng hạn tại Hà Tĩnh, Vingroup dự kiến giá bán có thể chỉ bắt đầu ở mức 450 triệu đồng.

“Các dự án này sẽ được triển khai đồng loạt sau khi xong thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng. Dự kiến đến nửa đầu năm 2017, sẽ khởi công được hết tất cả 7 tỉnh thành là Hà Nội, Hưng Yên, TP.HCM, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nha Trang”, ông Hiệp cho biết.

Trở lại với Happy Town, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, Vingroup chọn Đồng Nai, Bình Dương và Bắc Ninh để xây dựng nhà 200 triệu đồng vì nhiều yếu tố.

Thứ nhất là mật độ, số lượng công nhân cao. Đồng Nai có hơn 700.000, Bình Dương hơn 1.000.000, Bắc Ninh khoảng 300.000 công nhân. Thứ 2 là giá đất thấp. Nhà ở công nhân là bài toán lớn ở các khu công nghiệp để thu hút người lao động nên các khu công nghiệp sẵn sàng ưu đãi nhằm kêu gọi đầu tư.

Thứ 3 là doanh nghiệp sẽ được miễn nộp tiền thuê đất, giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, hệ số sử dụng đất khi làm nhà ở cho công nhân.

Vingroup có thể xây mỗi block nhà cao 4-6 tầng. Một căn hộ 30m2 thực tế là 20m2 xây dựng, còn 10m2 là gác lửng nên chi phí thấp. Ngoài ra, nhà ở công nhân có 20% được bán với giá thương mại nên tầng 1, 2 nếu xây dựng dạng nhà phố 1 trệt 1 lửng 1 lầu thì giá đó là có lợi nhuận.

Bài viết nổi bật